Phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam

Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam vừa được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký phê duyệt tại Quyết định 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021.

Dưới đây là một số nội dung chính từ đề án.

SGGP – Tăng cường giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa

Mục tiêu tái chế 85% rác thải nhựa

Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Đề án phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh. Giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển, đại dương và 100% khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Để thực hiện những mục tiêu này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, quản lý chất thải nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường. Xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ trên cả nước mô hình trung tâm thương mại, siêu thị không sử dụng túi ni lông hoặc sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy.

Không dừng lại ở đó, chúng ta cần nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa; công nghệ tái chế chất thải nhựa thành nhiên liệu, vật liệu xây dựng, giao thông và sản phẩm nhựa khác. Đồng thời, nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm trọng điểm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá và chứng nhận chất lượng các sản phẩm bao bì thay thế sản phẩm nhựa và sản phẩm túi ni lông phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường, đáp ứng quy định của Việt Nam.

Toàn cảnh Nhà máy xử lý chất thải nhựa tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Toàn cảnh Nhà máy xử lý chất thải nhựa tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

 

Song song đó là các giải pháp về tăng cường triển khai hoạt động kiểm tra, thanh tra xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất, phân phối sản phẩm nhựa; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, trong đó có chất thải nhựa.

Nâng cao vai trò của doanh nghiệp

Chưa bao giờ ở Việt Nam, phong trào “chống rác thải nhựa” có được sự nhập cuộc mạnh mẽ, đồng bộ như hiện nay. Chính phủ, doanh nghiệp đều có những chương trình hành động rất cụ thể, thiết thực. Trên hành trình gìn giữ môi trường xanh, chống rác thải nhựa, Bộ TN-MT luôn ghi nhận nỗ lực của tổ chức, cá nhân có nhiều sáng kiến thiết thực, góp phần làm thay đổi ý thức, thói quen của người dân và xã hội.

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam đang triển khai các động thái giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Đơn cử như Co.op mart đã tiên phong thay túi ni lông khó phân hủy thông thường bằng túi ni lông thân thiện với môi trường và đang dần mở rộng việc gói thực phẩm bằng lá chuối trên toàn hệ thống; ngưng kinh doanh sản phẩm ống hút bằng nhựa.

Hay nhãn hàng Milo thuộc Công ty Nestlé Việt Nam cũng chủ động trong việc nói không với ống hút nhựa. Theo kế hoạch, nhãn hàng này hoàn thành chuyển đổi 90% lượng sản xuất dùng ống hút giấy vào cuối năm 2021 (và đạt 100% vào tháng 5-2022). Ước tính việc sản xuất ống hút giấy giúp giảm được gần 700 tấn rác thải nhựa mỗi năm.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho biết công ty và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Các bên sẽ phối hợp xây dựng dự án trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ thu gom, phân loại và xử lý sơ bộ chất thải có thể tái chế; xây dựng mạng lưới với các nhà tái chế để phát triển mô hình khuyến khích cho chất thải có thể tái chế. Vận động chính sách tạo cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thị trường thuận lợi cho chất thải có thể tái chế cũng như truyền thông về phân loại rác tại nguồn đến các hộ gia đình và người thu gom rác độc lập.

Dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy, nâng cao hiệu quả trong triển khai, thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; quản lý, thu hồi, tái chế và sử dụng chất thải tái chế một cách hiệu quả và giúp nâng cao nhận thức cộng đồng; thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân từng chia sẻ, trong cuộc chiến chống rác thải nhựa hiện nay, vai trò và trách nhiệm của các doanh nghiệp đặc biệt quan trọng, nhất là xử lý các loại rác thải nhựa khó thu gom và tái chế như sản phẩm, bao bì nhựa sử dụng một lần. Doanh nghiệp không chỉ là một phần của vấn đề mà hoàn toàn có thể trở thành một phần quan trọng của giải pháp.

VTV – Hoàn thiện chính sách, quy định về quản lý chất thải nhựa

Xây dựng và triển khai chính sách thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm nhựa; quy định trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm nhựa, bao bì nhựa. Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hạn chế sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần. Nghiên cứu, đề xuất lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa, sản xuất vật liệu xây dựng và tái sử dụng chất thải nhựa trong các công trình giao thông.

Ngoài ra, đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất lộ trình tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông khó phân hủy; bổ sung thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm nhựa dùng một lần phục vụ mục đích sinh hoạt. Ban hành và thực hiện quy định, quy chế trong cơ quan, văn phòng, công sở để hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong tổ chức sự kiện và hoạt động thường nhật.

Đồng thời, xây dựng chính sách đồng bộ để phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa tại nguồn phù hợp với điều kiện của từng địa phương nhằm tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa. Rà soát, hoàn thiện quy định của pháp luật về quản lý rác thải nhựa đại dương; quản lý chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Tăng cường xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường

Nhiệm vụ và giải pháp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, triển khai mô hình, hoạt động quản lý chất thải nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được cụ thể hóa trong đề án: Xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ trên cả nước mô hình trung tâm thương mại, siêu thị không sử dụng túi ni lông hoặc sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; thành lập và mở rộng các mô hình tổ chức tái chế chất thải, các phong trào chống rác thải nhựa; Xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ trên địa bàn cả nước, đặc biệt là vùng ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; Xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thu gom chất thải nhựa trôi nổi trong môi trường như thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa trên lưu vực sông, vùng ven biển, các bãi tắm, các khu du lịch, các âu thuyền, chợ cá ven biển.

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa; công nghệ tái chế chất thải nhựa thành nhiên liệu, vật liệu xây dựng, giao thông và sản phẩm nhựa khác; tăng cường đầu tư và phát triển công nghệ sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa; nghiên cứu, thiết kế, sản xuất bao bì, sản phẩm nhựa tối ưu nhằm giảm tối đa định mức nguyên liệu nhựa/sản phẩm; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải nhựa trên sông, suối, kênh, rạch, vùng biển. Nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm trọng điểm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá và chứng nhận chất lượng các sản phẩm bao bì thay thế sản phẩm nhựa và sản phẩm túi ni lông phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường đáp ứng quy định của Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý hoạt động sản xuất, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải nhựa; thúc đẩy phát triển thị trường tái chế, xử lý chất thải; xây dựng, cập nhật và tích hợp cơ sở dữ liệu về quản lý chất nhựa vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia. Tăng cường triển khai hoạt động kiểm tra, thanh tra xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất, phân phối sản phẩm nhựa và thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong đó có chất thải nhựa.

—-

Nguồn: Tổng hợp từ SGGP, VTV

 

Leave a Comment